Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

sala


SA LA LONG THỌ - SONG LONG THỦ - SONG LONG THỌ
Dược Sĩ Trần Việt Hưng


Tên khoa học và các tên khác:
Couroupita guianensis thuộc họ thực vật Lecythidaceae.
Tên Anh- Mỹ: Cannonball tree; Ayahuma, Foul coconut tree
Pháp: Boulet de canon.
Tây Ban Nha: bola de canõn, coco de mono, Abrico de Macaco
Tên Tamil (Ấn):Nagalinga pushpam.
Tiếng Hindi: Shiv Kamal (cây), Shiva linga (Hoa).
Tại Nam Mỹ: Ba Tây: castanha de macaco (monkey nut) . Columbia: maraco. Venezuela: coco de mono, mamey hediondo.
Tại Bắc VN cây còn được gọi là cây Hàm rồng (có lẽ theo hình dáng của nhụy hoa). Giới chơi cây cảnh có tên là Ngọc Kỳ Lân (có thể do hình dạng của cả chùm hoa.

Cư sĩ Tuệ Lạc, đã theo học nhiều năm tại ĐH Nalenda (Ân Độ) giải thích:
Couroupita guainensis: Cây Song long thủ , tiếng Phạn gọi là Sala. Cây này cao lớn, viền lá không răng và có hoa từ nhánh và thân thành những chùm, trong mỗi chùm có nhiều cặp hoa khi nở trông giống như đầu rồng (Long thủ). Ngôn ngữ Hán Việt gọi là cây Song long thủ. Nhưng để ngắn gọn, dễ nhớ hơn, ngưòi ta bỏ chữ cây và chữ thủ, thêm vào chữ thọ để trở thành Song long thọ (Vườn Dươc Thảo- Tương Giang Tử ngày 14 tháng 3, 2012)

Đặc điểm thực vật học:
Cây thuộc loại thân mộc lớn, lá xanh quanh năm. Cây cao đến 35m Thân thẳng, phân cành sớm; vỏ xốp và mềm; tán rộng nhưng thưa. Là thuôn bàu dục dài hay hình giáo màu xanh nhạt. Cuống lá dài 0.5-3 cm. Phiến lá bóng, cứng, dài 15-25 cm. Mép nguyên hay có khía răng nhỏ, mọc thành chùm ở thân hay cành.
Cụm hoa dạng chùm mập, dài (có khi đến 1m), uốn cong ra và tập trung ngay trên thân hay cành già. Hoa lớn, lưỡng trắc, thơm, màu sặc sỡ. Hoa có 6 cánh đài dày ở gốc, dạng bàu dục nhọn. Cánh tràng lõm, cong, nở ra tròn đều, màu đỏ vàng, có khi màu cam, gốc màu đỏ tím hay màu vàng. Nhị nhiều xếp sát nhau kín cả họng hoa.
Quả thuộc loại phì quả, hình cầu lớn, đường kính 10-25 cm, nặng đến 1.5 kg., phần cùi vỏ nặng chừng 0.5 kg, có lá đài còn lại ở giữa, màu đỏ nhạt trong chứa từ 200-300 hạt (Quả nhỏ nhất chứa khoảng 65 hạt, nhưng quả to nhất có thể chứa đến 550 hạt) Quả rụng khi chin. Hạt dính trên ruột quả, ruột đổi thành màu xanh nhạt khi tiếp xúc với không khí. Quả có mùi hôi khi chín. Cây rất sai quả, mỗi cây có từ 50 đến 150 quả.
Hoa không có mật, nhưng có mùi thơm ngọt ngào vào buổi sáng sớm, hấp dẫn được ong thợ (loài Xylocopa) để giúp thụ phấn. Loài ong lớn màu đen, lưng gù này khi chui vào hoa sẽ mang phấn hoa trên thân vả chuyển phấn khi chui vào hoa khác.
Cây được xem là có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ (khu vực Amazone) , và có thể từ Ấn Độ, Thái.
Tại Hoa Kỳ, cây có thể trồng được ở Florida (một cây hiện ở Fairchild Tropical Botanical Garden)
Tại Việt Nam cây thường được trồng trong khuôn viên các chùa Phật giáo như tại Thiền viện Thường Chiếu (Long Thành), Chùa Vĩnh Nghiêm (Sài Gòn), Chùa Tây Tạng (Bình Dương). Ngoài ra cũng có tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, khu du lịch Bình Quới - Thanh Đa.

Thành phần hóa học:
Hoa chứa:
- Tinh dầu dễ bay hơi (4 loại) gồm phần chính là Eugenol (41,6 %), Linalool (14.9 %), Farnesol (10.3%), Nerol (9.5%) (Journal of Essential Oils Research Số 7-1995)
- Flavonoids: 2',4'-dihydroxy-6'-methoxy-3',5'-dimethyl chalcone ; 7-hydroxy 5-methoxy-6,8-dimethyl flavonone . Kaempherol, Rutin.
- Alkaloids như isatin, indirubin, couroupitine
- Chuyển hóa chất loại saponines như Hopanes, loại indolo quinazoline như Tryptanthrin
- Sterols như Stigmasterol

- Hợp chất loại phenolic
Theo TK Lim (Edible Medicinal and Non medicinal Plants. Vol 3 (Fruits):
Trong phần 'nạc' của Quả có các chất đường, gôm, các acid hữu cơ như malic, citric, tartaric acid. Ngoài ra còn có citric hydrazid, vinalic hydrazid và capric acid.
Hạt chứa 32% chất dầu béo và 19 % chất đạm.
Dầu ép từ hạt có các chỉ số:
- Iodine: 126.1
- Sà phòng hóa (Saponification): 181.7
- Oxide: 0.8
- Acid: 2.4
Thành phần acid béo trong dầu gồm phần lớn là linoleic acid (81.5 %), palmitic (6.3 %), stearic (3.4), oleic (3.3), capric (1.5), palmitoleic (1), myristic (1.2).

Các nghiên cứu dược học về Couroupita guainensis:
Hoạt tinh làm lành vết thương và kháng sinh:
Dịch chiết toàn cây (vỏ thân, lá, hoa và quả) Couroupita guainensis bằng ethanol khi thử trên chuột cho thấy:
Có hoạt tính giúp vết thương mau lành bằng cách thu hẹp diện tích vết thương và gia tăng độ căng của da. Thuốc mỡ Nitrofurazone được dùng làm thuốc đối chứng.
Sự tạo mô tế bào biểu bì xẩy ra trong vòng 15 ngày sau khi thoa dịch chiết, nồng độ hydroxyproline phù hợp với diện tích vết thương.
Dịch chiết có hoạt tính kháng sinh trên các vi khuẩn Gram (+) như Staphylococcus aureus và Gram (-) như E. coli, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae. Hoạt tính kháng sinh được so sánh với erythromycin và tetracyclin.
(Pharmacologyonline, Vol 3, p.269-281 (2007)
Khả năng chống oxy-hóa (antioxidant):
Khả năng chống oxy-hóa của cây Đầu Lân đã được nghiên cứu khá nhiều và từng bộ phận của cây đã được thử nghiệm:
Hoa và Lá:
Nghiên cứu tại Khoa Dược, Viện nghiên cứu Dược khoa Rahul, Chirala, Andrapradesh (Ấn Độ) ghi nhận: Dịch chiết từ hoa và từ lá của Couroupita guianensis bằng ethanol co hoạt tinh thu nhặt các gốc tự do, các anion superoxide (thử nghiệm dùng men xanthine oxidase, có vitamine C làm đối chứng), thu nhặt các gốc hydroxyl (thử nghiệm trên sự phân hủy desoxyribose, dùng quercetin để so sánh).
Trong thử nghiệm Superoxide: các liều IC50 của dịch chiết từ hoa là 318.13 và từ lá là 138.39 microg/ml trong khi đó của Vitamin C đôi chứng là 92.46.
Trong thử nghiệm thu nhặt các gốc hydroxyl: các liều IC50 củ hoa là 66.3, lá là 37.34 microg/ml, trong khi đó của quercetin là 24.5 (International Journal of Phytopharmacy Research Số 3-2012)
- Khả năng kích thích sự sinh sản của các mô tế bào sợi của da:
Dịch chiết từ nước và alcohol từ lá có các hoạt tính tạo sự bội sinh các tế bào fibroblast (HCF) của da, giúp hấp thu các tia cực tím (UV) đồng thời có khả năng chống oxy hóa. Khả năng chống oxy-hóa được đánh giá bằng dùng thử nghiệm hoạt tính oxyhóa của linoleic acid.(Natural Products Research Số 4/2012). Nghiên cứu được thực hiện tại Department of R&D, CarOi'Line Cosmetica SL, Pontereas, Tây Ban Nha, với triển vọng dùng lá Đầu Lân trong công nghiệp mỹ phẩm.
- Khả năng chống đau và chống sưng:
Khả năng chống đau của dịch chiết bằng ethanol từ lá đã được nghiên cứu tại Universudade Federal do Rio de Janeiro (Ba Tây).
Thử nghiệm được thực hiện trên chuột qua các test gây co quắp bằng acid acetic, cử động của đuôi chuột và phản ứng của chuột khi để trên dĩa hơ nóng. Chuột đối chứng được 'chích trước' bằng atropine, mecamylamine và naloxone.Kết quả ghi nhận, dịch chiết bằng ethanol từ lá Đầu Lân có các khả năng chống đau và chống sưng, hoạt tinh này được trung chuyển qua các hệ thống opiod và cholinergic (Journal of Ethnopharmacology Số 127/2010)
- Khả năng chống trầm cảm (depression) và giải trừ âu lo:
Thử nghiệm tại ĐH Mumbay (Ấn độ) trên chuột albino ghi nhận dịch chiết từ lá bằng benzene có hoạt tinh chống trầm cảm khi dùng các test đo lường phản ứng của chuột như:
Test chuột bị treo bằng đuôi (Tail suspension test): Chuột bị treo bằng cách kẹp đuôi, để đầu cao 5cm cách đáy hộp, trong 6 phút, khi thả xuống chuột thường bất động. Trong test này, chuột dùng dịch chiết có thời gian bất động ngắn hơn, hoạt tính tương tư như imipramine.
Test chuột phải cố bơi (Despair swim test): Chuột bị thả vào bình thủy tinh đường kính 12 cm, cao 20cm, chứa nước đến mức 8 cm, ở nhiệt độ 24-25 độ C, trong 6 phút. Chuột sẽ gần như bất động sau khi cố bơi. Trong test này, thời gian bất động của chuột cho dùng dịch chiết cũng ngắn lại.
- Hoạt tinh diệt giun, ký sinh trùng:
Dịch chiết bằng chloroforme, acetone và ethanol từ hoa có hoạt tinh diệt giun Pheretima posthuma. Dịch chiết bằng ethanol mạnh nhất, có thể so sánh với piperazine citrate.(Philippine Alernative Medicine)
Các phương thức sử dụng trong dân gian:
Dược học Ayurvedic dùng cây đầu lân trong nhiều thuốc chữa nhiều bệnh khac nhau như sưng bao tử, ghẻ ngứa, trĩ chảy máu, kiết lỵ, vết thương do bọ cạp chích.


Một số bộ phận của cây được dùng làm thuốc:
- Nước ép từ lá dùng trị các bệnh ngoài da; lá non dùng trị đau răng.
- Ruột nhão của quả dùng trị vết thương lở loét ngoài da
- Hoa dùng trị cảm lạnh, đầy hơi trong bao tử. Hoa phơi khô dùng trị tiêu chảy.
- Vỏ của quả, sau khi phơi khô được dùng làm dụng cụ chứa đựng khi làm bếp.
Gỗ cành và thân dùng làm nhang.
Phần thịt nhão bên trong quả được dùng tại Nam Mỹ làm thực phẩm nuôi gia cầm như gà tây, gà-vịt và heo.


Hoa được dùng trong kỹ nghệ hương liệu và mỹ phẩm
Tại Ấn Độ, một chế phẩm dùng để rửa tay thay thế cho sà phòng, dùng tại các bệnh viện, trạm y tế địa phương, pha chế bằng cách phối hợp dịch chiết từ lá của các cây Terminalia catappa (Bàng Biển), Couroupita guainansis (Đầu Lân) và vỏ cùi quả của Garcinia indica (Bùa).
Hỗn hợp các dược thảo (10 gram chiết bằng methanol/nước 9:1) được pha thêm lauryl sulfate. Thử nghiệm ghi nhận chế phẩm rất hữu hiệu diệt được các vi khuẩn Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa.khi so sánh với các loại savon sát trùng khác (Natural Product Radiance Số 7-2008)

**********


Tài liệu sử dụng:
The New York Botanical Garden: Lecythidaceae Pages
Philippine Medicinal Plants: Cannonball tree
Medicinal Plants of India (GV Satyavati)
Forest and Trees Associated with Lord Buddha (Basanta Bidari)
Vài dòng giới thiệu về cây Sala trong Phạn ngữ (TS Huệ Dân)

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012