Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

SUY TIM


SUY TIM
1.Y HỌC HIỆN ĐẠI
1.1. Đại cương:
Suy tim là một trạng thái bệnh lý làm cho tim mất khả năng bảo đảm cung lượng tim theo nhu cầu oxy của cơ thể, lúc đầu khi gắng sức và sau đó cả lúc nghỉ ngơi, tổn thương trung tâm trong suy tim là suy yếu sự co bóp cơ tim.
Suy tim là diễn biến cuối cùng của các bệnh tim mạch và các bệnh có liên quan ảnh hưởng nhiều đến tim. Hiện nay tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn ngày càng tăng trong khi các tai biến về mạch máu não và mạch vành tim gây tử vong giảm. Gần đây có những hiểu biết mới về suy tim, nhưng việc điều trị thực sự vẫn còn nhiều khó khăn.
Các nghiên cứu cho biết có khoảng 0,5 - 2 % dân số bị suy tim, ở người già có thể đến 10%.
Ở Việt nam: Viện Tim mạch năm 1991 có 765 ca suy tim trong tổng số 1291 ca nhập viện
1.2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
1.2.2. Nguyên nhân:
1.2.1.1. Suy tim phải:
*) Loại gây cản trở đường tống máu của thất phải:
+ Hẹp van 2 lá
+ Các bệnh phổi mãn tính: hen phế quản, giãn phế quản, xở phổi, khí phế thũng.
+ Các bệnh có hẹp động mạch phổi
+ Thông liên nhĩ
+ U màng nhĩ trái
*) Loại gây cản trở máu về tim phải:
+ Tràn dịch màng ngoài tim
+ Viêm màng ngoài tim dầy dính, co thắt
+ Các bệnh có dầy thất phải bẩm sinh bệnh Fallot, EBCtein...
+ Huyết tắc động mạch phổi
1.2.1.2. Suy tim trái:
Bao gồm những bệnh gây ứ đọng máu tại thất trái cản trở đường tống máu thất trái hoặc gây tổn thương cơ thất trái.
+ Hở van 2 lá
+ Huyết áp cao có thể dẫn tới suy tim.
+ Nhồi máu cơ tim gây tổn thương cơ tim và gây suy tim trái cấp tính.
+ Những bệnh tim bẩm sinh: hẹp co động mạch chủ, còn ống động mạch thông liền thất.
+ Bệnh có tổn thương cơ tim trái do viêm, viêm cơ tim do thấp, nhiễm trùng nhiễm độc nặng, thiểu dưỡng cơ tim, thiểu năng vành.
+ Do rối loạn chuyển hóa trong bệnh collagen
+ Do gắng sức quá mức có thể dẫn tới suy tim trái cấp tính.
+ Bệnh cơ ti nguyên phát, ứ trệ.
1.2.1.3. Suy tim toàn bộ:
Ngoài nguyên nhân gây suy tim phải và trái còn một số nguyên nhân có thể dẫn tới suy tim toàn bộ:
+ Viêm tim toàn bộ
+ Thoái hóa cơ tim
+ Thiếu máu nặng
+ Thiếu vitamin B1 (Beri - Beri)
+ Bệnh Basedow
1.2.2. Cơ chế bệnh sinh:
1.2.2.1. Cơ chế suy tim:
Suy tim xảy ra khi có sức co bóp cơ tim giảm hay thể tích nhát bóp tim giảm.Tốc độ co bóp phụ thuộc vào mức năng lượng được giải phóng nhờ hoạt tính ATPase của cơ tim, lực tối đa đạt được trong thì co cơ, đồng thể tích phụ thuộc vào các điểm tiếp xúc actin - Myosin theo đơn vị cơ tim và số lượng Ion calci gắn với hệ Tsoponin - Tsopomyosin. Làm thay đổi cấu trúc của Tsoponin và tạo điều kiện cho actin tiếp xúc với Myosin để gây co cơ. Khi cơ chế sinh co cơ bị suy yếu thì dẫn tới co bóp cơ tim giảm và suy tim xảy ra.
1.2.2.2. Cơ chế bù trừ:
*) Tại tim: Sau khi suy tim xảy ra tại tim huy động 3 cơ chế bù trừ là vì dự trữ tim còn, các sợi cơ tim kéo dài ra sẽ làm tăng sức co bóp của cơ tim, dẫn đến giãn thất, dày thất để tăng hiệu suất tim, tăng huy động hệ thần kinh giao cảm tăng tiết Catecolamin để sức co bóp cơ tim và làm tăng tần số tim. Lâu ngày các thụ cảm Beeta trong các cơ tim và đáp ứng các thần kinh giao cảm sẽ giảm dần.
*) Ngoài tim: Được huy động 3 hệ thống:
+ Hệ thần kinh giao cảm: Cường giao cảm sẽ gây co mạch ngoại vi để ưu tiên máu cho não, tim...
+ Hệ Renin - Angiotensin - Aldosteron: Làm co mạch rất mạnh và tăng tái hấp thu nước và Na+
+ Hệ Vasophessin: góp phần làm co mạch ngoại vi của Angiotensin II, tăng tái hấp thu nước ở thận.
Cả 3 hệ thống bù trừ trên đều cố gắng duy trì cung lượng tim và huyết áp, nhưng mặt bất lợi là làm ứ trệ nước và Na+, tăng sức ngoại vi, tăng công, tăng mức tiêu thụ oxy của cơ tim, giảm cung lượng vành, các bất lợi đó có thể làm nặng thêm suy tim, tất yêu xảy ra suy tim mất bù.
1.3. Triệu chứng
1.3.1. Suy tim trái:
*) Lâm sàng: Biểu hiện chủ yếu ở phổi
- Khó thở khi gắng sức: xảy ra ở giai đoạn đầu.
- Khó thở lúc nghỉ ngơi: xảy ra ở giai đoạn cuối cua suy tim. Bệnh nhân thường phải gối đầu cao, nằm tư thế Fowler, có khi phải ngồi để ngủ hoặc thức trắng đêm.
- Cơn hen tim: Thường xảy ra ban đêm, bệnh nhân nghẹt thở, thở khò khè, nếu tĩnh mạch vỡ thì bệnh nhân khạc ra máu.
- Phù phổi cấp tính: Bệnh nhân có cơn khó thở, nhanh, ngắn nhịp phát, nghe ra ral ẩm, ral gáy, cả 2 trường phổi dâng lên như thủy triều, từ đáy lên tận 2 đỉnh phổi. Bệnh nhân lo âu, bồn chồn, thở gấp, tím tái, vã mồ hôi, lạnh toàn thân, sùi đờm dãi đầy mồm với bọt màu hồng.
- Bệnh nhân thấy mệt mỏi, giảm trí nhớ, đôi khi lú lẫn, vật vã.
- Dấu hiệu thực thể: huyết áp thấp ( chủ yếu là huyết áp tâm thu) đôi khi huyết áp tâm trương tăng. Nhịp nhanh xoang diện đục tim to ra, mỏm tim sa xuống sang trái, tiếng bệnh lý bên tim trái, tiếng ngựa phi, ngoại tâm thu phổi đục ở đáy, có thể tràn dịch màng phổi, rên rít, rên ngày, có khi ran ẩm.
*) Cận lâm sàng:
- X quang: thất, nhĩ trái to, rốn phổi đậm, có đường Kerlay B.
- Điện tim: dày thất trái, nhĩ trái, thiếu máu cơ tim loạn nhịp, rối loạn dẫn truyền.
- Siêu âm tim: dày hoặc giãn tim trái, giảm co bóp thất trái
1.3.2. Suy tim phải:
*) Lâm sàng:
Triệu chứng chính là gan to, xung huyết căng tĩnh mạch hệ thống.
- Dấu hiệu chức năng: đau tức năng vùng gan, dấu hiệu "gan đàn xếp", rối loạn tiêu hóa, chướng bụng phù mềm trắng ở chi dưới cân đối, khó thở nặng dần. Giai đoạn cuối khó thở thường xuyên.
*) Cận lâm sàng:
- X quang: thất và nhĩ phải to, trung thất to, phổi bình thường
- Siêu âm tim: dày và giãn thất, nhĩ phải
- Điện tim: dấu hiệu dày thất và nhĩ phải
1.3.3. Suy tim toàn bộ
- Khó thở thường xuyên phải ngồi để thở.
- Tím môi, mặt
- Gan to nhiều, tĩnh mạch cổ nổi to và đập
- Phù to 2 chân, có phù toàn thân và tràn dịch thanh mạc màng phổi, màng bụng.
- Mạch nhanh yếu, huyết áp tâm thu giảm, tâm trương tăng (hình ảnh "huyết áp cặp díp")
- Áp lực tĩnh mạch tăng cao, tốc độ tuần hoàn chậm.
- X quang: tim to toàn bộ
- Điện tim: dày 2 thất, dầy nhĩ, có thể gặp loạn nhịp...
1.3.4. Phân độ suy tim:
Thường áp dụng cách phân loại dựa vào trạng thái chức năng do Hội tim mạch New York đề ra:
*) Độ I:
- Chỉ khó thở khi gắng sức nhiều.
- Tim chưa to trên lâm sàng và X quang.
- Điện tim: bình thường hoặc tăng gánh thất phải hoặc trái mức độ nhẹ.
- Điều trị hồi phục dễ dàng bằng tránh gắng sức, hạn chế ăn muối.
*) Độ II: Suy tim toàn bộ không toàn bộ:
- Khó thở khi gắng sức nhẹ;
- Tim đã to.
- Có ứ trệ ở một trong hai vòng tuần hoàn: tiểu tuần hoàn và ngoại vi.
- Điện tim: dầy 1 thất, lệch trục rõ.
*) Độ III: Suy tim toàn bộ có khả năng hồi phục:
- Khó thở thường xuyên.
- Mạch nhanh thường xuyên
- X quang: tim to toàn bộ
- Có ứ trệ ở cả 2 vòng tuần hoàn.
- Điện tim: dầy 2 thất có thể có loạn nhịp
- Điều trị: tích cực đúng qui cách suy tim còn khả năng hồi phục
*) Độ IV: Suy tim khó hồi phục, suy tim giai đoạn cuối:
- Khó thở cả khi nằm phải ngồi để thở.
- Phù to toàn thân, dịch màng phổi, dịch màng bụng.
- Gan to cứng, tim to, buồng thất giãn, hở van 2 lá, 3 lá chức năng.
1.4. Chẩn đoán:
1.4.1. Chẩn đoán suy tim:
- Với suy tim phải: ở giai đoạn tiềm tàng dựa vào tĩnh mạch cổ nổi, đau tức vùng gan, vùng tim, khó thở khi gắng sức, nhịp tim nhanh; Điện tim: tăng gánh thất phải, thông tim, đo áp lực buồng tim cho phép phát hiện sớm.
- Với suy tim trái: khó thở khi gắng sức, có cơn khó thở về đêm, nhịp tim nhanh, ho, ho ra máu; Điện tim: trục chuyển trái, tăng gánh thất trái, thông tim giúp chẩn đoán xác định suy tim trái giai đoạn tiềm tàng.
1.4.2. Chẩn đoán phân biệt:
- Tắc mạch máu phổi
- Phù ngoại vi do suy tim dị ứng, phù thận
- Gan to do xơ gan
1.5. Điều trị
- Vệ sinh đời sống, chế độ ăn uống.
- Có chế độ nghỉ ngơi, lao động tùy theo mức độ suy tim
- Ăn nhạt tùy theo mức độ suy tim, thường lượng muối < 300mg/ngày; hạn chế uống nước (nên dưới 1,5l/ngày), ăn thực đơn nhẹ nhàng.
- Thuốc: Digitoxin (Digitalis puspurae) dạng dung dịch viên 0,1 mg dùng uống, tiêm. Đợt tấn công tổng liều 0,8 - 2 mg/4-6 ngày. Đợt củng cố 1 tuần cho 1 - 2 ngày; liều 1 - 2 viên/ngày, cần bổ sung K+ mới dùng thuốc. Liều tác dụng và liều độc từng cơ thể rất khác nhau , ngừng thuốc ngay khi nhịp tim <70 lần/phút.
- Digitalis - Lanata (Digoxin) viên 0,25, ống 0,5mg
Đợt tấn công: tổng liều 2 - 4 mg (4 - 6 ngày, 2 ngày đầu có thể dùng 0,5 - 1 mg/ngày chia nhiều lần)
*) Chú ý: Suy tim nhịp chậm < 70 lần/phút có bloc ngoại tâm thu dầy, nhiều dạng nhiểu ổ không dùng, ngộ độc phải dừng ngay.
- Thuốc lợi tiểu:
+ Hypothiazit viên: 25mg, 100mg liều 100mg/ngày; 1 đợt 3 - 4 ngày, cần bổ sung Kali
+ Furosemid (lasix, lasilix) viên 40 mg, ống 20 mg, liều 2 - 4 ngày; Đợt 2 -3 ngày.
Có thể dùng thêm các loại kháng sinh phòng ngừa bội nhiễm, thuốc an thần, Seduxen..., điều trị tích cực nguyên nhân suy tim.
2. Y HỌC CỔ TRUYỀN
2.1. Bệnh danh: Tâm quí, Chính xung, Khái xuyễn, Hư lao, Thủy thũng...
2.2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Nguyên nhân căn bản là tâm và huyết mạch bất túc, nguyên nhân ngoại tà, ăn uống, phòng dục không điều độ là yếu tố dẫn phát bệnh.
Cơ thể bệnh sinh tương đối phức tạp có thể trình bày như sau:
- Tâm huyết suy tổn, tâm khí không đầy đủ, khí âm đều hư, thủy ẩm huyết ứ ngưng tại tâm, tâm bào lạc, xuất hiện chứng tim đập mạnh loạn nhịp
- Phế khí hư không túc giáng, thận hư không nạp được khí, khí nghịch lên trên xuất hiện chứng huyễn thở
- Thủy thũng: có liên quan đến phế, tỳ, thận và khí hóa của tam tiêu. Tâm tỳ dương hư khí không chủ thủy, thủy thấp của hạ tiêu tràn lên, xuất hiện chân phù thũng, tim hồi hộp, ăn ít, bụng chướng đầy. Thận dương hư thì thủy khí thịnh phù thũng từ eo lưng trở xuống càng nặng. Thận khí hư cộng thêm bàng quang kém khí hóa nên lượng nước tiểu ít gây phù thũng.
- Tâm khí không đủ nên khí huyết không thông dẫn tới huyết ứ, xuất hiện ngực sườn đau tức, môi tím, tay nhợt tím.
- Về phân đoạn: giai đoạn đầu là tâm phế khí hư, giai đoạn cuối là tỳ thận dương hư.
- Về tiến triển bệnh: suy tim dương hư là gốc, bệnh phát triển đến âm hư, cuối cùng cả âm dương đều hư. Vì vậy, lấy ích khí ôn dương làm chủ, kiêm thêm hoạt huyết hóa ứ, hóa đàm, lợi thủy là phép trị chủ yếu.
2.3. Biện chứng luận trị:
2.3.1. Thể Khí huyết đều hư:
*) Chứng trạng: Tim hồi hộp, khó thở, mệt mỏi, đầu váng, mắt hoa, hụt hơi, ngại nói, môi nhợt, sắc mặt tối, chất lưỡi nhợt bệu, rêu mỏng, mạch tế vô lực.
*) Pháp điều trị: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần
*) Bài thuốc: Quy tỳ thang gia giảm
- Đẳng sâm
15g
- Hoàng kỳ
20g
- Chích cam thảo
05g
- Phục thần
12g
- Toan táo nhân
12g
- Mộc hương
06g
- Viễn chí
10g
- Bạch truật
15g
- Đương quy
20g
- Long nhãn
15g
*) Ý nghĩa bài thuốc:
Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Chích cam thảo kiện tỳ ích khí; Đương qui dưỡng can sinh tâm huyết; Táo nhân, Phục thần, Long nhãn, dưỡng tâm an thần; Viễn chí thông tâm thận, Mộc hương lý khí tỉnh tỳ. Bài thuốc có tác dụng bổ ích tâm tỳ, ích khí dưỡng huyết.
*) Châm cứu: Tâm du, Tỳ du, Phế du, Thận du, Túc tam lý, Nội quan.
2.3.2. Thể Tâm thận âm hư:
*) Chứng trạng: Khó thở, hồi hộp, khó ngủ, miệng khát họng khô, hai gò má đỏ, tai ù, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.
*) Pháp điều trị: Bổ tâm thận âm, dưỡng tâm an thần
*) Bài thuốc: Thiên Vương Bổ Tâm Đan gia giảm
- Sinh địa
12g
- Huyền sâm
12g
- Đan sâm
15g
- Thiên đông
12g
- Mạch đông
12g
- Đương qui
12g
- Bá tử nhân
12g
- Toan táo nhân
12g
- Ngọc trúc
12g
- Cát cánh
12g
- Ngũ vị tử
05g


*) Ý nghĩa bài thuốc:
Sinh địa, Huyền sâm, Thiên đông, Mạch đông dưỡng âm thanh nhiệt; Đương qui, Đan sâm bổ âm dưỡng huyets; Bá tử nhân, Toan táo nhân an thần; Đẳng sâm bổ tâm khí; Ngũ vị tử thu liễm khí tăng cường dưỡng tâm an thần.
2.3.2. Thể Tâm huyết ứ:
*) Chứng trạng: Người mệt mỏi, vô lực, hồi hộp nhịp loạn, suyễn thở, khó thở khi nằm, mặt tối, môi tím, đầu ngón tay xanh tím. Lưỡi ánh tím có ban ứ huyết. Mạch tế hoặc kết đại.
*) Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ
*) Bài thuốc: Đào Nhân Hồng Hoa tiễn gia giảm
- Đương qui
15g
- Đan sâm
15g
- Uất kim
10g
- Hồng hoa
06g
- Đào nhân
15g
- Long cốt
15g
- Mẫu lệ
15g
- Diên hồ sách
12g
- Quế chi
10g
- Xuyên khung
10g
- Cam thảo
05g


*) Ý nghĩa bài thuốc:
Đào nhân, Hồng hoa, Đan sâm, Đương qui là thần, hoạt huyết hóa ứ, Diên hồ sách, Xuyên khung, Uất kim là tá; Quế chi, Cam thảo thông dương khí; Long cốt, Mẫu lệ trọng trấn an thần. Nếu phù chân gia Phục linh, Trạch tả để lợi thủy. Nếu đờm trắng ho nhiều gia Đình lịch tử, Tang bạch bì để hóa đờm trục ẩm.
2.3.4. Thể Tỳ thận đều hư
*) Chứng trạng: Tim đập nhanh, phù thũng toàn thân, người gầy, ăn kém, đại tiện nhão, lưỡi rêu trắng, mạch trầm tế vô lực.
*) Pháp điều trị: Ôn bổ tỳ thận, thông dương lợi thủy.
*) Bài thuốc: "Chân vũ trang" gia giảm
- Phụ tử chế
06g
- Tang bạch bì
12g
- Bạch truật
15g
- Phục linh
20g
- Quế chi
10g
- Sinh khương
5 lát
- Trạch tả
15g
- Bạch thược
15g
- Sa tiền tử
15g


*) Ý nghĩa bài thuốc:
Phụ tử đại nhiệt ôn dương khu hàn; Quế chi thông dương khí; Sinh khương tán hàn; Bạch thược liễm âm hòa dinh; Bạch linh, Bạch truật kiện tỳ lợi thủy; Trạch tả, Sa tiền tử hành thủy; Tang bạch bì giáng khí bình suyễn. Nếu cổ chướng dùng phép ôn thận lợi thủy, có thể dùng Ngũ linh tán gia giảm. Nếu thủy âm tràn lên phế có thể dùng Đại táo tả phế thang gia Đình lịch tử.
2.4. Phòng bệnh:
- Chủ động chữa bệnh tại tim và nguyên nhân bất lợi đề phòng cảm nhiễm.
- Ăn thanh đạm, nhiều bữa, kiêng mỡ động vật, hạn chế ăn muối, hút thuốc, uống rượu, chè, cà phê.
- Chế độ lao động nghỉ ngơi hợp lý.

Theo "KẾT HỢP ĐÔNG - TÂY Y CHỮA MỘT SỐ BỆNH KHÓ"
GS. Bành Văn Khìu và cộng sự.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét