THẮT LƯNG DÀI RA, CUỘC ĐỜI NGẮN LẠI
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
Hình ảnh đức Phật Di Lặc đã in đậm trong tâm tưởng nhiều người trong chúng ta. Đó là hình ảnh một vị sư to béo đẫy đà, mặc y áo không cúc, thường ngồi chễm chệ phanh ngực, hoặc đứng hiên ngang khoe cái bụng to tròn, mặt mày rạng rỡ và đặc biệt là nụ cười luôn nở trên miệng, và vây quanh là đám trẻ vui đùa thỏa thích. Hình ảnh này khiến cho ai nhìn thấy cũng đều cảm thấy hoan hỷ, vui thích, có cảm tưởng như lúc nào cũng nghe được tiếng cười ha hả vang động của ngài. Đó là nụ cười của Từ Bi, của Hỷ Xả, vô cùng cao quý, có thể làm tiêu tan hết mọi thù hận hờn ghét, làm tan biến mọi khổ đau phiền não trong lòng dạ con người. Đúng là: "Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân" (dịch nghĩa: Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể mỉm cười được). Tuy nhiên, với thân hình đẫy đà, bụng to quá cỡ vẽ trong tranh về ngài thì ta nên xem đó là hình tượng ví von về tấm lòng vị tha thương người vĩ đại. Như câu thơ đã ví von: "Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự (dịch nghĩa: Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được). Chứ không nên xem đó là đặc trưng vốn có của "sức khỏe" mà tìm cách ăn uống sao cho giống như vậy.
Đối với khá nhiều người, "có sức khỏe" đồng nghĩa với "có thân hình phương phi, tròn trịa", đặc biệt đối với nam giới thường tự hào trời cho "tốt bụng", thực chất là béo bụng, tức bụng to hơn người thường là tốt. Thật ra mập mạp không hẳn là có sức khỏe tốt và béo bụng, tai hại thay là dấu hiệu có thể "trông mặt mà bắt hình dong" giúp nghi ngờ đương sự đang bị một quá trình bệnh lý gọi là "hội chứng chuyển hóa" (HCCH). Trong những năm gần đây, HCCH đã trở nên quen thuộc và là mối quan tâm hàng đầu của các thầy thuốc vì HCCH sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 và những bệnh do vữa xơ động mạch đóng vai trò chính (như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não). HCCH còn được gọi một số tên khác như hội chứng kháng insulin, hội chứng Reaven, hội chứng X, đặc biệt có tên gọi nói lên sự nguy hại phải đề cao cảnh giác là "tứ chứng chết người". Gọi là tứ chứng chết người là vì có 4 chứng nếu không điều chỉnh cải thiện sẽ đưa đến sức khỏe bị tổn hại nghiệm trọng, có thể tử vong như chơi, đó là "béo phì thể bụng tức béo bụng, huyết áp cao, đường huyết cao, rối loạn mỡ trong máu". Trong tứ chứng thì béo bụng có thể nhìn bề ngoài là biết, còn 3 chứng còn lại phải có thiết bị đo (như đo huyết áp, đo đường huyết) và xét nghiệm máu. Đặc biệt, nhiều nhà y học nhấn mạnh vai trò của béo bụng xem đó đóng vai trò chính, là trung tâm của 4 biểu hiện của HCCH. Người ta đã thống kê, trung bình có 20% số người ở độ tuổi trung niên bị HCCH và tỷ lệ này có xu hướng ngày càng tăng.
Làm thế nào biết được bị HCCH?
Dựa vào bảng tiêu chuẩn chẩn đoán HCCH dành cho người châu Á, người được xem là bị HCCH nếu mắc 3 hoặc nhiều hơn trong 5 tiêu chuẩn sau:
Đo vòng eo: được xem là béo bụng khi nam có vòng eo lớn hơn 90 cm, nữ lớn hơn 80 cm.
Đo huyết áp: lớn hơn hay bằng (≥)130/85 mmHg.
Đo đường huyết glucose lúc đói: ≥ 6,1mmol/l (≥110 mg/dl).
Đo mỡ trong máu: Có 2 tiêu chuẩn là:
triglycerid ≥ 1,7mmol/l (≥ 150 mg/dl) và
HDL-cholesterol nhỏ hơn (<) 1mmol/l ( < 40 mg/dl) ở nam, <1,3 mmol/l) (<50 mg/dl) ở nữ.
Lưu ý có một số tiêu chuẩn ở nam khác với nữ.
Người có huyết áp 130/85 mmHg, đường huyết lúc đói bằng 6,1 mmol/l, triglycerid bằng 1,7 mmol/l là người chưa bị bệnh cao huyết áp, chưa bị đái tháo đường (ĐTĐ), chưa bị tăng mỡ trong máu thật sự nhưng có thể đã bị HCCH. Như trên đã nói, béo bụng là dễ " bắt hình dong" nhất, cho nên khi đo vòng bụng thấy vòng eo có vấn đề, hãy đi đo các tiêu chuẩn còn lại để xác định là có bị HCCH hay không, hầu khống chế bệnh tật.
HCCH sẽ dẫn đến hậu quả gì?
HCCH nếu không kiểm soát hay trị liệu sẽ dẫn đến 2 bệnh gây ảnh hưởng rất nặng nề là bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch và bệnh ĐTĐ týp 2 . Người bị HCCH có nguy cơ chết vì bệnh tim mạch vành cao gấp 3-4 lần so với người không bị. Người phạm phải 4 trong 5 tiêu chuẩn của HCCH có nguy cơ diễn biến thành ĐTĐ týp 2 gấp 24 lần so với người không phạm.
Một điều rất may mắn là HCCH có thể được khống chế bằng cách thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể lực và có khi phải dùng thuốc. Trong đó, việc điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý đóng vai trò then chốt. Nên ăn uống điều độ, vừa đủ, tránh ăn no, tránh các chất béo, tăng cường ăn cá thay vì ăn nhiều thịt, ăn nhiều rau xanh, trái cây (rõ ràng để phòng chống HCCH, ăn chay đúng cách là tốt nhất). Ăn vừa đủ chất bột, không dùng đường tinh luyện, hạn chế tối đa ăn bánh kẹo ngọt, hạn chế ăn các loại quả có độ đường cao.
Người bị HCCH cần tránh cuộc sống thụ động bằng cách tập luyện rèn luyện thể lực tốt nhằm giải quyết vấn đề béo bụng do thừa do thừa cân, béo phì. Nếu giảm được 1cm vòng eo, bạn đã giảm được 7% nguy cơ bị bệnh ĐTĐ týp 2. Người ta ghi nhận chế độ vận động rèn luyện thể lực có giúp cải thiện tình trạng kháng insulin (insulin nhạy cảm tức được sử dụng tốt hơn sẽ có tác dụng kiểm soát đường huyết tốt hơn) và cải thiện tình trạng rối loạn mỡ trong máu (thể dục làm tăng HDL-cholesterol là cholesterol tốt).
Bị HCCH có phải dùng thuốc không?
Bạn cần phải đi khám bác sĩ để được cần dùng thuốc để điều trị HCCH hay không
Người bị HCCH nếu bị béo phì quá đáng có khi phải dùng thuốc giảm cân (nếu BMI lớn hơn 30kg/m2 trước đây phải dùng một trong hai thuốc sibutramin và orlistat, orlistat thường được chọn do sibutramin có thể làm tăng huyết áp, và nay thì sibutramin đã bị cấm).
Tùy theo tình trạng của người bị HCCH, bác sĩ sẽ cân nhắc việc lựa chọn thuốc thích hợp. Để hạ huyết áp, bác sĩ thường chọn một trong những thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển, đối kháng thụ thể angiotensin II hoặc chẹn kênh calci vì các thuốc này ít gây tệ hơn tình trạng kháng insulin gây ĐTĐ. Để trị rối loạn mỡ trong máu, bác sĩ thường chọn hoặc thuốc nhóm statin hoặc fibrat hoặc niacin. Đối với tình trạng đường huyết hơi cao đến mức giới hạn các nhà điều trị tán dương việc thay đổi lối sống nhằm cải thiện chứ không ủng hộ dùng thuốc hạ đường huyết cho người bị HCCH nhưng chưa thật sự bị ĐTĐ týp 2.
Nên chăng phải cảnh giác cao độ đối với HCCH?
Nếu đã thấm nhuần phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", những ai có nguy cơ, đặc biệt đối với người đã ở ngưỡng "đón gió heo may về" cần phải cảnh giác cao độ HCCH. Ta nên đi khám, làm xét nghiệm để biết mình đã phạm 3 hoặc hơn trong 5 tiêu chuẩn chẩn đoán HCCH kể ở trên hay chưa. Nếu phạm, ta cần tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị HCCH kịp thời để không hối tiếc bị mắc hai bệnh luôn gây tổn thất nghiêm trọng là bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch vành và ĐTĐ týp 2. Nên lưu ý, nếp sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyên vận động thích hợp để bụng đừng béo sẽ hóa giải, triệt tiêu HCCH, giúp bảo vệ và tăng cường sức khỏe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét